Season 1 - Episode 05
Updated: Sep 5, 2021

Tập 5, cùng anh Khoa Vũ, mang đến những câu chuyện - trải nghiệm ở phương trời nước Mỹ nhưng lại đầy tính dung dị về một miền ký ức Việt, cùng những ‘tầng tầng - lớp lớp’ ý nghĩa, góc nhìn được mô tả, phơi bày về con người anh, về hành trình kiến trúc mà anh theo đuổi và cả về một quá trình hiểu mình, làm mình hết sức trọn vẹn và đầy kiêu hãnh.
5 CÂU HỎI NHANH
1. Cuốn sách lần cuối anh đọc
“White” của Kenya Hara là một phần đóng góp tạo nên thương hiệu MUJI phát triển như hiện giờ, với triết lý ‘Hư Không’ (Emptiness) của ông. Ông là Graphic Designer và cuốn sách của ông chú trọng nhiều về triết lý này, có nguồn gốc từ văn hóa Nhật Bản, có những điểm tương đồng về ‘tối giản’ nhưng sâu và có chủ ý hơn, vượt lên trên những giới hạn thiết kế. Tóm gọn, White khiến bạn thay đổi nhiều ý niệm về ‘Trắng.
2. Bài hát lần cuối anh nghe
Anh cùng Cousin của mình dạo gần đây có nói về Suboi và rất hứng thú với ca khúc ‘Best Friend’ của cô. Thật sự đó không phải gu nhạc của anh nhưng tinh thần sáng tạo của Suboi và team của chỉ lại mang đến những bài hát rất đời, rất thấm, làm anh ấn tượng.
3. Người anh ngưỡng mộ nhất
Anh có lòng cảm kích và ngưỡng mộ rất là nhiều kiến trúc sư người Nhật - một trong những người đó là Kenzo Tange, ông là một trong những người có truyền cảm hứng nhiều nhất trong kiến trúc hiện đại của Nhật Bản. Sở dĩ anh rất ngưỡng mộ, vì ông là một kiến trúc sư có độ ảnh hưởng bên ngoài cả kiến trúc, về nghệ thuật và về sự phát triển của cả thành phố nước Nhật cùng với nhiều công trình ý nghĩa mà ông đã kết nối được thiết kế của Phương Đông và Phương Tây.
4. Nơi mà anh thích nhất?
Có 3 nơi mà anh tạm gọi, theo anh, là 3 ‘địa điểm tuyệt vời nhất’ mà anh đã từng đến.
1. Castles of Bellinzona ở Thuỵ Sĩ
2. Chichu Museum ở Naoshima, Nhật Bản
3. Alhambra Palace ở Granada, Tây Ban Nha
Ba cái nơi chốn này thật sự đã tạo cho anh cảm xúc thật sự, cái rung động - thay đổi anh rất là nhiều trong suy nghĩ về trải nghiệm và thiết kế không gian. Chúng cho anh nhiều cái định nghĩa và suy nghĩ về grayscale - suy nghĩ về không gian theo từng lớp. “Rung cảm trong trải nghiệm không gian thực tế” rất là quan trọng và rất ít công trình sẽ tạo cho mình cảm giác “thực tại”, rằng mình “đang nhận thức” mọi thứ diễn ra xung quanh. Chúng dựa trên và được tạo nên bằng một ngôn ngữ chung về ‘không gian’.
5. Nơi anh nhớ nhất hiện tại là nơi nào?
Đó là nhà. Chính xác hơn là Đà Lạt, nơi anh có nhiều thời gian với gia đình. Anh nghĩ là có thể bây giờ anh quay về hình ảnh về Đà Lạt nó không còn nguyên vẹn nhưng nó vẫn sẽ là nơi anh nhớ nhất.

Khoa Vu's sketchnote
Q&A
Don’t look for what people want or need from you, but look for what makes you alive because the only thing that the world needs from you is actually on how to make you alive or everyone alive.
Mình biết nhau như thế nào?
Anh biết Helly từ hồi anh gặp em ở Brooklyn ; lần gặp đầu tiên là có cả Tim và Minh, nhưng nó khá ngắn. Thời gian mà trò chuyện và hangout nhiều hơn là nó ở Boston năm 2015. Kỉ niệm đáng nhớ nhất lúc đó đối với anh là Helly có cái sự tò mò về việc kiến trúc sư làm việc như thế nào, anh ấn tượng với sự tập trung của Helly khi phụ anh làm việc, hoàn thiện đồ án tốt nghiệp. Và anh cũng nhớ nhất là hôm buổi sáng đó anh với Helly đi dạo xong rồi gặp cô giáo nhắc nhở nên phải gấp rút về chuẩn bị cho buổi Final Review. Thì mới thấy đó, cuộc sống của nghệ sĩ hay của ngành kiến trúc thì thời gian trôi qua rất là nhanh và thành ra nó vẫn cứ tiếp diễn như thế, dù hơi lạ lẫm nhưng có thể là một điểm gì đó bạn sẽ ghi nhớ.
Quá trình hình thành concept, hình dạng hay đường nét mới?
Đối với anh, tạm gọi là chúng ta lúc nào cũng sẽ tìm tòi những đặc điểm mới trong ngôn ngữ kiến trúc hoặc thiết kế, cả về hình khối/đường nét, đúng chúng quan trọng trong tư duy thiết kế. Và, anh nghĩ, mình nên tìm một ‘phong cách’ hay ‘kiểu mẫu’ (patterns) mà mình thích hoặc tò mò, từ đó khám phá sâu hơn về chúng. Mọi thứ mới luôn bắt nguồn từ sự độc nhất, duy nhất của bản thân người nghệ sĩ đó. Sự tìm tòi cả bên trong lẫn bên ngoài đối với anh rất là quan trọng. Thay vì bên ngoài, chúng mình nên dành thời gian đào sâu cả về bên trong. Ý tưởng, thông điệp mà mình muốn truyền tải là gì? ‘You figure out the What, and then the How will come later on.’

Tư duy thiết kế, concept và Chuyên môn
Tư duy thiết kế, concept là cái cần phải trau dồi hàng ngày, không nhất thiết phải liên quan đến vẽ - thay vào đó, nó là tư duy tâm hồn của mình, nó sẽ làm giàu cái suy nghĩ, vốn chất liệu của riêng mỗi người. Thứ hai là chuyên môn, kỹ thuật - Technique, cần sự luyện tập đều đặn. Thỉnh thoảng không cần suy nghĩ về cái điều cần vẽ (sketch) - let it flow và một ngày nào đó quay về để nhìn lại một lần nữa và tự hỏi, phản tư. Cách thức mà mình làm, thiết kế và ý tưởng ban đầu nó sẽ giao thoa. Với anh, chúng mình lúc nào cũng cần cả hai, chỉ chuyên môn không thôi thì chưa đủ, để gắn kết mọi thứ. Như một con người, chúng mình có cơ thể vật chất, nhưng chúng mình cũng cần có tâm hồn và trải nghiệm.
Cân bằng bên ngoài và bên trong
Học cách quan sát, rất quan trọng. Chúng mình có muôn vàn hiện trạng để mà quan sát, trải nghiệm. Mọi thứ đang nhanh và thay đổi nhiều hơn, thì đôi lúc chúng ta quên mất hỏi tại sao, vì sao mình thích nó, thì mình nên tập ‘hỏi’. Khi hỏi là bắt đầu mời gọi điều đó đến với mình, như một kho tàng ký ức mà mình lưu trữ cho bản thân - “library of design”. Bước thứ nhất là đặt câu hỏi và bước thứ hai là phác hoạ nó ra, như một cách thức để thiền, đang tập trung vào điều chúng mình đang làm. Khi mà mình vẽ thì mình sẽ bắt đầu ‘chất vấn’ và ‘suy niệm’ sâu hơn về điều đó.
TIME & SPACE
Đam mê kiến trúc đến với anh từ bé?
Có lẽ không đúng, khi nói anh mê kiến trúc từ nhỏ. Anh mê vẽ từ nhỏ, nhưng mà anh bắt đầu anh tự hỏi nhiều câu hỏi hơn về mặt hình khối, về những gì chúng ta thấy, vào những năm anh học cấp 3 hay từ những năm đầu anh học kiến trúc. Tuy nhiên, điểm chạm mà bắt đầu làm anh hứng thú và say mê với kiến trúc - khái niệm về không gian là khi anh đọc sách và trải nghiệm nhiều hơn. Ví dụ như một cái bình - cái bên trong ‘trống rỗng’ mới là nội dung quan trọng, là điều làm nên ‘một cái bình’ như nó vốn là.
Định nghĩa về Time & Space
Đối với anh, Time & Space lúc nào cũng có sự kết nối với nhau. Thời gian đóng vai trò trong việc tạo ra ‘khoảng cách’ - chiều sâu, nâng tầm một công trình kiến trúc, là Không gian. Vì chúng mình biết ‘không gian’ là một vật thể, nhưng linh hồn của một công trình hay một kiến trúc sư thật ra lại được tạo nên từ khái niệm ‘thời gian’, được cảm thụ bởi con người hay bởi chính thiên nhiên. Như một bản giao hưởng của người quan sát và người thiết kế nên công trình, việc của kiến trúc sư là tạo dựng một ‘bối cảnh’ (background) - ‘khung chứa’ (container) tốt nhất, nhằm phục vụ ‘cảm nghiệm’ không gian của người quan sát - người sẽ đóng vai trò ‘lấp đầy’ (fill in) nội dung, kỉ niệm cho không gian ấy.

Grayscale và ‘Alone Together’
Grayscale - không nhất thiết là trắng hay đen, mà là điều gì đó ‘ở giữa’ (in-between), một phạm vi từ nhiều điểm kết nối. Và, không gian anh muốn tạo nên, anh muốn nó tương đồng với trải nghiệm thiên nhiên vậy - thứ nhất là không có giới hạn, thứ hai là ‘alone together’ - ‘một mình cùng nhau’. Khái niệm về ‘Alone Together’ anh học được từ một người thầy của anh khi ông xem qua đồ án của mình, rằng chúng mình nhận thức rằng chúng mình đang sống cùng mọi người nhưng vẫn có một không gian riêng tư - thì anh đặt câu hỏi làm sao để một không gian kiến trúc tạo ra được điều đó, để một người sống lại không gian kỉ niệm của mình.
Đà Lạt - Nguồn gốc làm nên con người anh hiện tại
Tuổi thơ đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc sống của một người, về mặt kỷ niệm và những dấu ấn cuộc sống đầu tiên, theo mình suốt cuộc đời. Đà Lạt đóng vai trò trong việc hình thành suy nghĩ, trải nghiệm không gian sống và phong cách thiết kế của anh. Grayscale = Fog (Sương mù), là duy nhất cho với hiện tại bây giờ. Ngày đó, anh ngồi sau bố anh trên đường đến trường, chạy trong sương mù dày đặc. Con đường đầy sương mù - có lẽ là thường tình mỗi ngày nhưng nó lại khác biệt trong hình dạng, độ dày đặc và đến sau này, anh rất quý trọng cái trải nghiệm về “tầng tầng lớp lớp” đó và mang chúng vào ‘lý luận kiến trúc’ của mình.

Lợi thế trong môi trường ‘sáng tạo’ quốc tế ?
Trong môi trường học thì anh cố gắng rất là công bằng và anh không bao giờ mang câu chuyện riêng biệt về mình ra để cạnh tranh. Trong kiến trúc thì anh quan trọng vẫn là ‘sản phẩm’, công trình mình thiết kế. Đối với anh thì việc khiến anh nổi bật nó quay về câu hỏi mình muốn gì, mình thích gì và sống trọn vẹn, tin tưởng vì điều đó. Một khi đã làm hết sức và bỏ hết tâm tư vào đó, thì cho dù có thất bại - chúng ta vẫn cảm thấy mãn nguyện. Cho dù là ở đâu, quan trọng là tâm thế của bản thân, cách đối diện - chấp nhận và tận dụng những gì mình đang có.
Một sản phẩm hiệu quả
Anh nghĩ bất cứ sản phẩm nào nó đều quay về là ‘đảm bảo’ và ‘hoàn thiện’ công năng cơ bản (70%) và ít nhất thêm vào đó những ‘giá trị’ mới, đó có thể là tính bền vững, chất lượng hay một câu chuyện, thông điệp truyền tải (30%), thay đổi cách mà một người - một khách hàng sử dụng, làm việc, từ đó tiếp nhận ‘sản phẩm’ đó là một phần cuộc sống của mình. Một công trình - sản phẩm tốt nó sẽ dài lâu nhưng vẫn liên tục thay đổi - nâng cấp theo thời gian (timeless quality) và mình cũng phải chấp nhận rằng một ngày nào đó, sản phẩm đấy mất đi thì nó là dòng chảy của cuộc sống này, rất vô thường. The moment that you try not to be special, you’re already special.
Khoa Vu's sketchnotes
RECOMMENDATIONS
Zen Mind Beginner’s Mind - Shunryu Suzuki
Tạng Thư Sống Chết - Sogyal Rinpoche
Series “Abstract” on Netflix
Cảm ơn các bạn đã đọc.
Cùng đón chờ những tập tiếp theo của chuỗi series 'A Spark of Light' từ Yên, đồng hành cùng Fonos trên Instagram Live mỗi tuần, bạn nhé!