Season 2 - Episode 03

Tập 3 - Mùa 2, cùng chị Liêu Hà Trinh, anh Tim Phạm và host Helly Tống trong bối cảnh sau giãn cách, kể nhau nghe về khoảnh khắc đáng nhớ ngày đó, bộc bạch về điều ít ai biết về mình và về nỗi sợ lớn nhất của mình. Song, anh chị đã có những phút giây thật vui nhưng đầy chiêm nghiệm xoay quanh chủ đề ‘Eat, Pray, Love’ - bàn luận sâu hơn đến những món ăn về cảm xúc, tâm trí chúng mình vẫn hay ‘tiêu thụ’ hay cầu nguyện cũng chính là một dạng niềm tin, một điểm tựa sáng và rồi gác lại câu chuyện với tất thảy những cung bậc cảm xúc về yêu, về một định nghĩa hạnh phúc của riêng mỗi người.
5 CÂU HỎI NHANH
* Nếu như được chọn một nhân bánh trung thu, mọi người sẽ chọn nhân gì?
Tim: Tim thích bánh thập cẩm nhất. Lúc nhỏ thì không thích đâu, Tim chỉ thích bánh đậu xanh nhưng bây giờ lớn thì lại rất thích nhân thập cẩm.
Trinh: Trinh cũng vậy, Trinh cũng thích ăn bánh thập cẩm. Trinh nhận ra sự công phu, tỉ mỉ của việc làm nên một chiếc bánh thập cẩm, nào là lạp xưởng, nào là hạt dưa và nhân là một chuyện còn phải đi đôi với vỏ bánh, độ chín tới nên khi mà ăn được một miếng bánh thập cẩm, mình thấy không chỉ là một chiếc bánh mà là một công sức, quá trình rất là tỉ mỉ mà một năm mình chỉ được ăn có một lần thôi.
Helly: Helly thì không thích bánh thập cẩm và chỉ thích bánh một nhân - một mùi hơn. Nếu như được chọn thì mình sẽ chọn bánh bơ Signature thường niên ở Yên.
* Nếu như được chọn tên khác không phải tên hiện tại thì anh/chị sẽ chọn tên gì?
Trinh: Liêu Chí Lâm, mang ý nghĩa là ‘ý chí của một khu rừng lớn’, dù rằng nghe có vẻ hơi nam tính nhưng lại khá phù hợp với một phần tính cách của Trinh. Nhiều khi từ ngoại hình hay việc mình hay làm thơ, nhiều người nghĩ rằng mình rất phụ nữ, rất là ngọt ngào và nhẹ nhàng; tuy nhiên, những người gần mình sẽ biết Trinh đôi khi hơi hào sảng, nói nhanh và dứt khoát còn tính cách cũng khá là thẳng thắn, hay làm việc nặng và cái gì mình cũng thích làm một mình hơn.
Tim: Tim thì chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ có một tên khác, vì anh thấy tên mình khá đúng với mình, dường như cũng đã thành thói quen.
* Nỗi sợ lớn nhất của anh chị?
Tim & Trinh: Thật ra có một nỗi sợ chung mà Tim sợ từ nhỏ tới lớn chắc đó là nỗi sợ mất người thân. Có lẽ là nỗi sợ nó kinh khủng nhất. Trinh cũng sợ nên Trinh nghĩ là cách mình đối diện tốt nhất chắc là mình phải thực tập, tự diễn tập rất nhiều lần là nếu như mình không còn người thân thì mình sẽ cảm giác thế nào. Nhưng Tim còn không dám nghĩ đến cảm giác đó nữa, vì Tim sợ Tim phải là cái người bị cảm giác đó.
Helly: Mình nghĩ đó thật sự là nỗi sợ lớn nhất, và song song chắc đó là nỗi sợ về việc mình đã lãng phí thời gian thế nào khi còn được ở bên họ. Mình bận nghĩ đến những chuyện tương lai thay vì quan tâm đến những việc gần kề bên mình. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn ra, mình dần ý thức hơn về việc đó và chủ động hỏi thăm ba mẹ thường xuyên hơn lúc trước.
Trinh: Ngoài ra, Trinh còn có một nỗi sợ khá tương đồng - đó là sợ bản thân trở thành người mình ghét nhất. Và, người mà mình ghét nhất đó có thể là người ích kỷ, người thường xuyên hối hận những điều mình đã làm hay hối tiếc những việc mình chưa làm. Hệt như trong một trích đoạn về đám tang một người thầy của Tuyển tập Akutagawa, đặt ra câu hỏi rằng liệu chúng ta sợ mất người thân hay là chúng ta sợ đoạn đường còn lại của mình không thể trọn vẹn nếu thiếu họ. Không bao giờ là đủ để mình thấy mình đã làm việc gì đó rất tốt, cho nên dĩ nhiên thường mọi người sẽ có sự hối hận.
* Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của anh/chị?
Trinh: Trinh tin là, chúng ta thường hay nhớ nhất khoảnh khắc với gia đình thời ấu thơ, ở một nơi nào đó ‘không được gọi là hoàn hảo’, tại vì cái tiềm thức về sự không hoàn hảo, thí dụ như Trinh sẽ nghĩ về lúc mẹ Trinh nấu chè bột lọc với cái vị không phải quá ngon, dưới một cơn mưa tầm tã ở một cái mái nhà bị dột nước. Khung cảnh đó làm mình không thể nào quên được, không phải vì sự thiếu thốn mà Trinh cảm giác đó là sự yên bình, tại mình không có khái niệm gì để so sánh cái gì là thiếu thốn hay đủ đầy hết đó, mình chỉ biết rằng chắc thể này đã là hạnh phúc nhất rồi nhợ.
Tim: Đó là khi mình ở cạnh người mình thương và cả với gia đình, lúc còn nhỏ, quây quần với mọi người ăn tối và xem Paris By Night, thời mà Tim thường hay đi mướn băng - video, khoảng tầm lúc 6-7 tuổi.
* Một điều ít người biết về anh/chị?
Về Helly thì Trinh và Tim tiết lộ rằng chị đã từng trèo tường đi chơi hay về Tim thì Trinh nói rằng anh rất thích ăn bánh kem, có khi ăn hết trong một buổi. Còn về Trinh thì Helly nghĩ mọi người sẽ biết nhiều hơn về Trinh qua những bài thơ và những gì chị ấy chia sẻ.
EAT, PRAY, LOVE
Cảm nhận về nấu ăn
Tim: Thật ra đối với Tim, cái khoảnh khắc mà nấu ăn đó là khoảnh khắc như mình thiền vậy, vì anh không có quá nhiều suy nghĩ và chỉ tập trung vào làm một việc ngay lúc đó thôi. Dần dà, đối với Tim, hoạt động nấu ăn thời điểm đó rất ‘healthy’ (tốt) cho mental (tinh thần) của Tim.
Trinh: Trinh rất ít khi nấu ăn vì mình hay bận và cảm giác chưa được xuất sắc lắm trong việc bếp núc. Nhưng may mắn là lúc Trinh qua Hà Lan thăm Khoa thì Khoa đi làm từ sáng tới chiều tối nên Trinh có nhiều thời gian nghiên cứu các món ngon, lúc đó Trinh mới nhận ra quá trình nấu nướng thật sự cần rất nhiều sự tập trung, cố gắng - đúng với khái niệm nuôi dưỡng thật sự. Tại vì, ‘nuôi’ là để cho người ta ăn no thôi, nhưng mà ‘dưỡng’ phải là điều gì đó cực kỳ khỏe mạnh như Tim nói.
Helly: Quá trình mình thưởng thức, rõ ràng sẽ có 2 quá trình ở đây, đó là mình nấu ăn hoặc mình là người ăn, thì quá trình mình nấu ăn mình dành hết tâm sức, tâm niệm và tâm trí cho món ăn của người ăn và khi mình là người ăn, không chỉ là cho thân này mà ngay cả những ý nghĩ về sự ngon, cũng khởi nguồn từ việc mình cảm kích tâm sức của người đã trồng nên những nguyên liệu đó, từ thiên nhiên và rồi cả từ đôi bàn tay của người nấu.
Khoảnh khắc nào mọi người nghĩ đến việc ‘cầu nguyện’
Tim: Thiệt sự Tim thấy việc cầu nguyện không nghiêng về tín ngưỡng, mà còn là niềm tin vào một điểm tựa nào đó. Quan trọng nhất của việc cầu nguyện là để có niềm tin trong cuộc sống. Đó cũng là một lời nhắc cho chính mình về việc mình muốn thành hiện thực đó.
Trinh: Có 2 tuýp người - một là khi đang mong cầu một điều gì đó trong một khoảng thời gian ngắn, họ sẽ khởi tâm cầu nguyện để gửi đi niềm tin, niềm hy vọng về chuyện ấy, còn hai là người có sự ‘trường thuận’ hơn, thường xuyên cầu nguyện, bởi vì họ đã nhận ra được rằng sự cầu nguyện không chỉ diễn ra khi mình thiếu điều gì đó, mà còn là sự bình an, hạnh phúc và biết ơn về những điều vẫn đã và đang ở đây. Cầu nguyện cơ bản là việc mình rèn luyện trao ý thức của mình sẽ tin vào năng lực của bản thân, vào những điều tươi đẹp và những điểm sáng trên thế giới.

Bàn luận về yêu
Tim: Tim học được từ 2 người bạn - dù rằng đã yêu 10 năm rồi nhưng tình cảm của 2 bạn vẫn dành cho nhau y như ngày đầu. Nên Tim đã hỏi và hiểu rằng thiệt ra yêu không chỉ là yêu những điểm đẹp, những điểm tài giỏi của đối phương mà là học yêu luôn cả những điểm xấu của người đó. Và một điều rất quan trọng trong bất kể mối quan hệ nào, đó là communication - sự trò chuyện, giao tiếp để hiểu nhau.
Trinh: Tình yêu cũng giống như việc bạn chọn cho mình một chiếc áo để mặc, dù cho ai đó có khuyên mình, đưa ra một số gợi ý thì rồi kiểu gì mình cũng sẽ phá cách và bằng một cách nào đó trở về với nguyên bản của mình nhất, bởi vì mình chính xác là những gì mình nghĩ.
Là chính mình
Mình chỉ là chính mình khi mình hiểu mình, là điều thứ nhất.
Để hiểu mình, mình cần phải yêu thương mình, là điều thứ hai.
Và, muốn yêu thương mình, bản thân phải học cách yêu thương nữa.
Thế nên, điều này sẽ luôn ở thì tiếp diễn. Mình chỉ học khi có đủ nhận thức.
Đôi khi, mất cân bằng cũng là một trạng thái của cân bằng.
Q&A
Lối sống an yên
Trinh: Trinh không tin vào chữ ‘an yên’ một cách tuyệt đối mà tin vào sự mất cân bằng và cân bằng hơn. An yên có nghĩa là ‘bình an’ và ‘yên lặng, tĩnh mịch’, như một dòng nước phẳng lặng, không có sự lưu thông và khi nắng đến thì nước bốc hơi. Vậy ra điều đó cũng không hẳn là tốt, song không phải là toàn bộ bức tranh cuộc sống của anh chị. Ngoài những hình ảnh mà mọi người vẫn thường thấy, 99% còn lại ở cuộc sống ngoài kia là một chuỗi sự quẫy đạp không ngừng để mà có thể ‘được thưởng’ những giây phút an yên, mà anh chị mong muốn. Như một con thiên nga, ở trên có thể rất thư giãn và thoải mái nhưng bên dưới đó là bàn chân liên tục đạp để tiến lên và chống chọi với những cơn sóng lớn.
Tim: An yên chỉ là điều mình thể hiện cho mọi người thấy thôi. Ai cũng có những khó khăn riêng và cuộc sống nên có lên và xuống để thiết lập sự cân bằng và cũng nhiều thú vị hơn. Sóng lớn thì mình mới có những bài học, mình mới trưởng thành được. Câu nói ‘You are what you think’ rất đúng; mình nghĩ là mình an yên thì mình sẽ an yên thôi, mình đừng tìm kiếm nó ở đâu xa cả.
RECOMMENDATIONS
Yêu - Osho
Eat, Pray, Love (sách và phim)
Tuyển tập Akutagawa - Akutagawa Ryunosuke
Homecoming - John Bradshaw
Người bà tài giỏi vùng Saga - Yoshichi Shimada
The Little Book of Hygge / Cảm giác Hygge - Meik Wiking
Ikigai (nhiều tác giả)
Cảm ơn các bạn đã đọc.
Cùng đón chờ những tập tiếp theo của chuỗi series 'A Spark of Light' từ Yên, đồng hành cùng Fonos trên Instagram Live mỗi tuần, bạn nhé!